Thế Giới Phật Giáo
Tìm kiếm nâng cao
  • Kinh Sách Nói & Video
  • Song ngữ Việt-Anh (Đối chiếu)
  • Thỉnh Kinh Sách MIỄN PHÍ
  • Máy TỰ ĐỘNG Đọc, Đánh Máy, báo lỗi tiếng Việt
  • Danh bạ Chùa & Tự Viện
  • Mục đích và Chủ trương
  • BuddhistHub.org (Anh ngữ)
  • Thế Giới Từ Thiện

Luật Hữu bộ - Bách Nhất Yết Ma (HT Thích Đổng Minh & Thích Tâm Hạnh dịch)

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
Bách Nhất Yết-Ma

Hán dịch: Đường Tam tạng Luật sư Nghĩa Tịnh.
Việt dịch: HT. Luật sư Thích Đỗng Minh.
Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh

Một hôm, tôn giả Ô-ba-ly bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy về tịnh và bất tịnh địa, con không hiểu như thế nào gọi là tịnh hay bất tịnh?”
 
Đức Phật dạy: “Khi nào chánh pháp còn tồn tại ở thế gian thì có tịnh địa. Nếu chánh pháp không còn thì gọi là bất tịnh địa”.
 
Ô-ba-ly bạch Phật: “Thế nào gọi là chánh pháp còn tồn tại ở thế gian và thế nào là chánh pháp không còn?”
 
Phật dạy: “Này Ô-ba-ly, khi nào các pháp yết-ma còn được duy trì và có người tiến hành như pháp thì gọi là chánh pháp còn ở thế gian. Nếu pháp yết-ma không còn duy trì và không được tiến hành như pháp thì gọi là chánh pháp bị hoại diệt”.[1]
 
Tại sao sự diệt tận của chánh pháp được biểu hiện bằng dấu hiệu các pháp yết-ma không được thực hiện?
 
Không có pháp yết-ma sẽ không có các tỳ-kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là chánh pháp không tồn tại. Cho nên việc học hỏi các học xứ trong Giới kinh và thông suốt các pháp yết-ma là phận sự hàng đầu của vị tỳ-kheo trong suốt 5 năm đầu từ khi đắc giới cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tư cách bậc thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu tỳ-kheo không hoàn tất phận sự học hỏi này thì không bao giờ được phép rời y chỉ sư, dù cho tuổi đời 80 và tuổi hạ đã 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều quy định trong tất cả Luật tạng, cần phải nghiêm cẩn chấp trì vì sự tồn tại bền vững của Phật pháp…
 
Yết-ma là phiên âm từ Karman của tiếng Phạn. Hán dịch là “tác pháp biện sự”, và thường được các luật sư Trung Quốc giải thích rằng: “Vạn sự do tư thành biện cố”. Nghĩa là tất cả các công việc của Tăng đều do nó mà được thành tựu mỹ mãn. Trong nghĩa đen của tiếng Phạn, Karman hay yết-ma có nghĩa là hành động hay hành vi. Có hành động thuộc cá nhân và cũng có hành động thuộc tập thể.
 
Để phân biệt rõ hai phạm vi trách nhiệm như thế, trong thuật ngữ Hán dịch chữ “nghiệp” luôn luôn được dùng để chỉ cho hành động thuộc cá nhân, và cá nhân ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã làm. Trái lại, phiên âm yết-ma là dùng cho các hành vi tập thể và cá nhân.
 
Nói tóm lại, yết-ma hay nói đủ là Tăng-già yết-ma (Saṅghakarman) là hành sự của Tăng, căn cứ trên sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, gồm những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân theo được áp dụng tùy theo đối tượng của hành sự. (Theo Yết-ma yếu chỉ của H.T Thích Trí Thủ).
 
Bách nhất yết-ma theo nghĩa đen là 101 pháp yết-ma, nhưng còn có nghĩa là cả trăm việc của Tăng nhất nhất đều phải được yết-ma thì mới thành tựu.
 
Bộ luật này gồm có 10 quyển, nói cho đủ là Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ, được luật sư Nghĩa Tịnh dịch ra Hán văn vào triều đại nhà Đường. Nội dung bộ này trình bày 101 pháp yết-ma, phân làm ba loại là đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ. Đơn bạch yết-ma bao gồm các pháp: “Đơn bạch sai người hướng dẫn giới tử thọ giới” v.v… 22 loại; bạch nhị yết-ma bao gồm các pháp “Kết tiểu giới trường” v.v… 47 loại; bạch tứ yết-ma bao gồm các pháp “Thọ cận viên” v.v… 32 loại.
 
Trước đây, hầu hết các tác phẩm về luật, các luật sư Trung Quốc và Việt Nam thường trích văn Yết-ma và giải thích theo bộ Yết-ma này để chú thích cho luật Tứ phần. Toàn văn bộ luật này chưa có bản Việt ngữ, bản dịch này bổ sung vào sự khiếm khuyết đó.
 
Chúng tôi hy vọng bản dịch này góp một phần tài liệu về luật cho quý Tăng ni ở các trường  Phật học Việt Nam và các vị có lưu tâm nghiên cứu về Luật học, đồng thời cũng là hộ trì cho đời sống Phạm hạnh của Tăng ni chúng ta để làm cho Chánh pháp được tồn tại ở thế gian, lợi lạc hữu tình.
 
Trong khi phiên dịch không làm sao tránh khỏi những sai sót, chúng tôi xin quý vị cao minh chỉ giáo để lần tái bản được hoàn chỉnh, thành thật cảm ơn.
 
Nha Trang, Long Sơn,
ngày 3 tháng 2 năm Kỷ mão, PL. 2542.
Dịch giả cẩn bạch

Xem thêm & nguồn:

http://tuvien.com/gioi_luat/index.php?id=55bachnhatyetma

http://phaptangpgvn.net/vie/sach-phap-tang/bach-nhat-yet-ma.html

  • Bạn đang ở:  
  • Trang chủ
  • LUẬT
  • Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da (Tát Bà Đa bộ - Mula-sarvātivāda-vinaya)
  • Luật Hữu bộ - Bách Nhất Yết Ma (HT Thích Đổng Minh & Thích Tâm Hạnh dịch)

Trở lên trên

© 2023 Thế Giới Phật Giáo