Thế Giới Phật Giáo
Tìm kiếm nâng cao
  • Kinh Sách Nói & Video
  • Song ngữ Việt-Anh (Đối chiếu)
  • Thỉnh Kinh Sách MIỄN PHÍ
  • Máy TỰ ĐỘNG Đọc, Đánh Máy, báo lỗi tiếng Việt
  • Danh bạ Chùa & Tự Viện
  • Mục đích và Chủ trương
  • BuddhistHub.org (Anh ngữ)
  • Thế Giới Từ Thiện

Đại Thừa Khởi Tín Luận (HT Thích Trí Quang dịch giải)

Thiền Sư Mã Minh
HT Thích Trí Quang dịch giải

Trước hết xin nói Khởi tín có 1 chữ rất quan trọng, tôi đã cố gắng dịch mà vẫn thấy không ổn. Đó là chữ vọng niệm hay niệm. Chữ này nguyên tôi đã đổi ra khái niệm, nhưng rồi sợ bị hiểu lầm, tôi phải đổi lại dùng chữ của ngài Huyền tráng. Vọng niệm cũng gọi là vọng tưởng, và ngài Huyền tráng đã diểch là phân biệt. Phân biệt thì Du dà nói, mà Vạn 34/331b trích dẫn, có 8 thứ và sinh 3 sự. Theo đó có thể nói phân biệt bao gồm tất cả quan niệm, khái niệm, ý niệm. Ngài Huyền tráng nói phân biệt còn là vô ký dị thục tuệ (cái biết bẩm sinh hay bản năng) và chính là tầm tư (tư duy, tư tưởng). Dầu dùng chữ phân biệt thay cho chữ vọng niệm, nhưng tôi đã ghi chú nên hiểu là khái niệm. Ghi chú như vậy, vì đại sư Thái hư và học giả Lương Khải Siêu nói pháp là khái niệm. Chữ khái niệm này dùng để dịch chữ vọng niệm thì xác hơn, nhưng như đã nói, tôi e ngại hiểu lầm nên đã dùng chữ phân biệt của ngài Huyền tráng.

Ghi Sau Khi Duyệt Khởi Tín

Nay xin ghi phần chính

Khởi tín cốt nói về Chân như. Nói thật khéo, không kinh sách nào bằng. Nhưng muốn hiểu Chân như thì trước hết hãy nói về Tâm.

Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, trang 699-701, tổng quát mọi học lý về Tâm nói có 6 thứ. Nay tôi đổi vị trí 6 thứ ấy mà tóm tắt ý chính như sau. Thứ 1, nhục đoàn tâm, là quả tim khối thịt. Thứ 6, tinh yếu tâm, là tinh hoa cốt lõi. Thứ 5, kiên thật tâm, là chân như các pháp. Thứ 2, tập khởi tâm, là thức thứ 8. Thứ 3, tư lượng tâm, là thức thứ 7. Thứ 4, duyên lự tâm, là thức thứ 6. Thứ 1, thứ 6 và thứ 5, Phạn tự là hrdaya. Thứ 2, thứ 3 và thứ 4, Phạn tự thứ tự là citta, mana và vijnapti.

Thông thường nói Tâm chỉ nói qua duyên lự tâm (tư duy, tư tưởng). Sâu hơn chút nữa cũng chỉ nói thấu tư lượng tâm (tự ý thức tự ngã). Nhưng trong Phật học, kiên thật tâm mới quan trọng. Nó là chân như (tự tánh thanh tịnh tâm), bản thể của tất cả thứ tâm kia (của tất cả các pháp). Chính vì vậy mà Mật tổng quán ngay quả tim là hoa sen, Thiền tông thấy đương xứ tiện thị, gì cũng Tâm cả.

Chân như này là cái Khởi tín nói đến. Khởi tín cho ta thấy bản thể của ta là Chân như. Chân như ấy cực kỳ siêu việt mà lại cực kỳ linh hoạt. Chúng ta có thể nói con người chúng sinh phong phú bao nhiêu thì cũng tạm đủ để biết con người chứng ngộ phong phú bấy nhiêu. Khối nước là khối băng chứ không chi khác.

Trong nguyên lý tu tập, sự huân tập rất quan trọng. Duy thức học không cho Chân như là sở huân. Khởi tín trái lại, nói Chân như là căn bản của sự huân tập. Luận này đem lại 2 đức tin căn bản sau đây. Một, tự tín bản thể là Chân như. Chân như có thể năng huân, có thể sở huân. Do vậy mà chán ưa của ý thức rồi ra sẽ biết chán sinh tử ưa giải thoát, mà ý chí của ý rồi ra sẽ là tinh tiến dũng mãnh … Hai, tin biểu hiệu Chân như là Phật, ở đâu và lúc nào cũng có bên ta, thậm chí có khi làm tôi tớ, làm kẻ thù để ích lợi cho ta. Khởi tín nói rằng, trong Chân như (nơi ta và nơi Phật) ta được sống dẫu như một kẻ đui mù mà vẫn hưởng được ánh nắng mặt trời. Khởi tín khuyến cáo ta tu ngay vào Chân như : tu định Chân như, suy nghiệm Chân như là siêu việt và hoạt dụng. Lại nói nếu niệm Phật Di đà mà suy ngẫm Chân như của Ngài thì là định Chân như đó.

Khởi tín đưa ta lên tột đỉnh của sự tự tín, xác quyết rằng chúa tể của ta chính là ta đây.

Hai mươi lăm tháng 4, 2537.
Trí Quang

Xem thêm & nguồn:

https://phatphapungdung.com/phap-bao/dai-thua-khoi-tin-luan-163817.html

  • Bạn đang ở:  
  • Trang chủ
  • LUẬN
  • Luận Bắc Truyền
  • Đại Thừa Khởi Tín Luận (HT Thích Trí Quang dịch giải)

Trở lên trên

© 2023 Thế Giới Phật Giáo