Sách nói: Kinh Tạp A Hàm (Thích Đức Thắng dịch)
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ
Nguyên bản Hán dịch Tạp A-hàm hiện tại, ấn hành trong Đại Chánh Tạng, gồm 50 quyển, 1.362 kinh. Tổng số kinh theo sự biên tập của Đại sư Ấn Thuận, «Tạp A-hàm Hội Biên», có tất cả 13.412. Tổng số ghi theo «Quốc Dịch Nhất Thiết Kinh» (Nhật bản), có đến 13.443. Có sự sai biệt số kinh này là do có rất nhiều kinh trùng lặp. Những kinh này, trong bản Hán dịch chỉ ghi tóm tắt mà không tách phân thành các kinh riêng biệt. Tùy theo cách phân tích nội dung được tóm tắt này mà số kinh tăng giảm bất đồng.
Trong ấn bản Đại Chánh, từ quyển 1 đến quyển 3, cuối mỗi nhóm kinh, hoặc 8 kinh, hoặc 10 kinh, có một bài kệ gọi là «Nhiếp tụng». Tức kệ tóm tắt nội dung, và cũng được coi là đề kinh, của các kinh trước đó. Nhưng từ quyển 4 về sau, các «Nhiếp tụng» không xuất hiện đều đặn.
Ngay đầu quyển 16, có ghi khoa mục của kinh như sau «Tạp nhân tụng đệ tam phẩm chi tứ», bắt đầu với kinh số 407. Có nghĩa là, đoạn thứ tư của phẩm thứ ba thuộc Tạp nhân tụng. Trong biên tập của Ấn Thuận, «Tụng iii. Tạp nhân, 4. Tương ưng Đế», gồm các kinh trong bản Đại Chánh 379-443 (phần cuối quyển 15, và phần đầu quyển 16). Trong Quốc Dịch, đây là «Tụng iii. Nhân duyên; 2. Tương ưng Tứ đế», phẩm 2, kinh số Đại Chánh 407-443 (phần đầu quyển 16).
Đầu quyển 17, ghi «Tạp nhân tụng đệ tam phẩm chi ngũ". Tức phần 5, phẩm thứ 3 của Tạp nhân tụng, tiếp theo quyển 16, gồm các kinh 456-489. Trong biên tập của Ân Thuận, đây là «Tụng iii. 5. Tương ưng Giới", gồm các kinh Đại Chánh 444-465 (phần sau quyển 16 và phần đầu quyển 17). Quốc Dịch, «Tụng iii. Nhân duyên, 3. Tương ưng Giới» phẩm 1 & 2, số kinh như Hội Biên của Ấn Thuận.
Nơi quyển 23, kinh số 604, kể nhân duyên A-dục vương; được xem là tương đương với «A-dục Vương Truyện» (Đại 50, No 2043), và «A-dục Vương Kinh» (Đại 50, No 2042). Quyển 25, kinh số 640, trong đó Phật huyền ký về thời kỳ mạt pháp. Cũng trong quyển 25, kinh số 641, có ghi tiêu đề «A-dục Vương Thí Bán A-ma-lặc Quả Nhân Duyên Kinh». Rõ ràng đây là 3 bản kinh phụ hội, không thuộc Tạp A-hàm. Theo Lương Tăng Hựu, «Xuất Tam Tạng Ký Tập», quyển 2, Cầu-na-bạt-đà-la, dịch giả của Tạp A-hàm, cũng có dịch một bản kinh có tiêu đề là «Vô Ưu Vương Kinh». Nhưng được biết kinh đã thất truyền trong thời Tăng Hựu. Có thể người sao chép nhân cùng dịch giả nên chép chung luôn với Tạp A-hàm. Người sau không phân biệt, cho rằng kinh thuộc A-hàm. Trong «Tạp A-hàm Hội Biên», Ấn Thuận loại bỏ 3 bản kinh này ra ngoài Tạp A-hàm. Quốc Dịch xếp chúng vào 2 quyển cuối cùng. Tóm lại, nếu loại trừ 3 kinh, số 604, 640, 641, được chép trong 2 quyển 23 và 25, số quyển của bản Hán dịch Tạp A-hàm chỉ còn lại là 48 quyển, thay vì 50 quyển.
Như vậy có thể thấy, trong bản dịch nguyên thủy có phân khoa mục các kinh. Nhưng do sự sao chép lưu truyền mà các khoa mục này dần dần bị rơi mất. Nguyên hình của bản dịch như vậy cho thấy tương đồng với khoa mục được lưu hành theo Pāli Samyutta. Nghĩa là, các truyền bản Pali và Sanskrita đều có chung một bản gốc nguyên thủy.
Khi biên tập và phiên dịch, Ấn Thuận và Quốc Dịch đều có chỉnh lý lại mục lục, căn cứ theo các «Nhiếp tụng» hoặc nội dung đối chiếu theo Samyutta/ Pāli, rồi theo đó tổ chức lại hình thức văn bản theo khoa mục thứ tự mạch lạc. Nhưng cũng có sự bất đồng giữa hai bản này. Bản dịch Việt vẫn giữ nguyên thứ tự của Đại Chánh, để những vị nghiên cứu khi cần tham chiếu nguyên bản Hán dịch sẽ dò tìm dễ dàng hơn. Nhưng cũng cần nêu ở đây hai bản mục lục chỉnh lý theo «Tạp A-hàm Hội Biên» của Ấn Thuận, và «Quốc Dịch Nhất Thiết Kinh» để tiện việc tham khảo, khi cần đọc các kinh theo từng khoa mục gọi là «Tương ưng» tương đương với các Samyutta của Pāli. Hai bản mục lục chỉnh lý này được trình bày sau đây.
Ngoài ra, những khác biệt trong các truyền bản của Hán dịch, thứ tự khoa mục, và số quyển của Đại Chánh, đều được ghi ở phần cước chú, để các vị cần nghiên cứu sẽ dễ dàng tham khảo các tài liệu cần thiết.
Tuy nhiên, một ấn bản riêng biệt, với khoa mục đã được chỉnh lý cũng rất cần thiết. Nhưng đó là công trình khác.
Quảng Hương Già-lam,
Mùa an cư 2546
Tuệ Sỹ
Nghe đọc:
Quyển 1: https://dieuphapam.net/dpa/tieu-tang-thanh-van-kinh-tap-a-ham-quyen-1.3943/
Quyển 2: https://dieuphapam.net/dpa/tieu-tang-thanh-van-kinh-tap-a-ham-quyen-2.3965/
Quyển 3: https://dieuphapam.net/dpa/tieu-tang-thanh-van-kinh-tap-a-ham-quyen-3.4016/