Kinh Trường A Hàm (Thích Tuệ Sỹ dịch)
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm.
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ.
1. Bản dịch Việt, Trường A hàm, được thực hiện theo bản Hán dịch Trường A hàm kinh 長 阿 含 經, 22 quyển, do Phật-đà-da-xá 佛 陀 耶 舍 (Buddhayaśsa) tuyên đọc thuộc lòng (ám độc) bản Phạn, và Trúc Phật Niệm truyền dịch sang Hán văn.
2. Về để bản, bản dịch Việt căn cứ trên ấn bản “Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh” 大 正 新 修 大 藏 經, 100 tập, mỗi tập hơn 1000 trang chữ Hán cỡ 10pt. Trong đó, “A hàm bộ” gồm hai tập, 151 kinh (No.1- No.151). Trường A hàm kinh (No.1), thuộc “A hàm bộ” I, tập 1, từ trang 1-149.
3. “Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh”, từ No.2-No.25, là những bản Hán dịch lẻ tẻ các kinh thuộc Truờng A hàm. Đây là những bản kinh thuộc nhiều bộ phái khác nhau, do đó nội dung chứa đựng ít nhiều dị biệt. Trường A hàm hiện tại được phần đông các nhà nghiên cứu cho rằng thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), tức cùng bộ phái với Tứ phần luật 四 分 律 (Đại chánh, tập 22, No.1428). Công trình Việt dịch trong hiện tại chỉ thực hiện trên bản Hán Trường A hàm (Đại chánh, No.1). Các bản Hán dịch lẻ tẻ khác (Đại chánh, No.2-151) được dùng làm tư liệu đối chiếu.
4. Về xử lý văn bản trong khi phiên dịch, phần lớn căn cứ công trình hiệu đính và đối chiếu của Đại chánh. Ngoài ra, tham khảo thêm các công trình hiệu đính và đối chiếu khác, trong đó chủ yếu:
- Phật quang Đại tạng kinh, A hàm bộ 佛 光 大 藏 經, 阿 舍 部; Phật quang xuất bản xã, Đài bắc, 1993.
- Trường A hàm kinh 長 阿 舍 經, bản dịch bạch thoại, Thích Ngộ Từ (Shi Wu Ci) 釋 悟 慈; Đài nam, 1997.
-“Kokuyaku-issaikyoâ”,A-gom-bu,Choâ-a-gon-kyoâ, 國 譯 一 切 經 阿 舍 部, 長 阿 經, bản dịch tiếng Nhật của Shin-Ô Iwano 岩 野 真 雄; Tokyo 1969.
5. Giữa các ấn bản có những điểm khác nhau, bản Việt sẽ lựa chọn hoặc hiệu đính theo nhận thức của người dịch.
6. Trong bản Hán, nếu chỗ nào xét thấy văn dịch hay từ ngữ không phù hợp với giáo nghĩa truyền thống phổ biến, người dịch sẽ tham khảo các Kinh, Luật, Luận cần thiết để hiệu chính. Những hiệu chính này được giải thích ở phần cước chú.
7. Bản Hán dịch thực hiện căn cứ trên sự truyền khẩu. Do đó những từ phát âm tương tự dễ đưa đến ngộ nhận, như sam Pāli hay sama và samyak; cala và jala; muti và muṭṭhi,v.v…
Trong những trường hợp này, người dịch sẽ tham chiếu các kinh tương đương, các bản Hán biệt dịch, suy đoán tự dạng nguyên thủy có thể có trong Phạn bản để hiệu chính. Những hiệu chính này đều được ghi ở phần cước chú.
8. Do các truyền bản khác nhau giữa các bộ phái, để có nhận thức về giáo nghĩa nguyên thuỷ, chung cho tất cả, cần có những nghiên cứu đối chiếu sâu rộng. Công việc này ngoài khả năng hiện tại của các dịch giả. Tuy nhiên, trong trường hợp có thể, những điểm dị biệt giữa các truyền bản sẽ được ghi nhận và đối chiếu. Những ghi nhận này được nêu ở phần cước chú.
9. Bản Hán dịch được phân thành 22 quyển. Bản dịch Việt không chia số quyển như vậy, nhưng sẽ ghi ở phần cước chú mỗi khi bắt đầu một quyển khác.
10. Nội dung bản Hán dịch được xếp thành bốn phần, mỗi phần gồm số kinh nhiều ít khác nhau. Bản dịch Việt giữ nguyên sự phân chia này.
11. Các bản Hán biệt dịch được dùng làm tài liệu tham chiếu đều là các ấn bản của Đại chánh Đại tạng kinh. Số quyển được dẫn sẽ ghi là “Đại” theo sau là số La-mã chỉ thứ tự số quyển. Thí dụ: Đại XXII, nghĩa là, Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh, tập thứ 22. Mặc dù ấn bản Đại tạng này được tái bản nhiều lần, với nhiều nhà xuất bản khác nhau, nhưng số quyển và số trang mỗi quyển được xem là cố định. Do đó, trong các trích dẫn không cần thiết ghi năm và nơi tái bản.
12. Mỗi trang của ấn bản Đại chánh chia làm ba phần. Trong trích dẫn, các phần này được ghi là a, b, và c ngay sau số trang. Trường hợp cần thiết, có thể ghi cả số dòng. Thí dụ: Đại X, tr.125b, hay Đại X, tr,125b24.
13. Vì lý do phải thường xuyên di chuyển trú xứ, mà khi di chuyển không thể mang theo các tài liệu cần thiết, do đó, khi tham chiếu các bản Pāli tương đương, người dịch đã phải sử dụng nhiều ấn bản Pāli khác nhau. Chủ yếu là ấn bản Latinh, ấn bản Devanagari, và bản CD Rom. Số trang, số đoạn các bản không đồng nhất. Do đó các trích dẫn Pāli đối chiếu thường không thống nhất. Khi nào điều kiện thuận tiện, hoàn cảnh cho phép, những sự bất nhất này sẽ phải được chỉnh lý cho thống nhất.
14. Phần lớn các từ Phật học trong bản Hán dịch này không phổ biến. Do đó có thể gây khó khăn cho việc đọc và nghiên cứu. Trong các trường hợp như vậy, tuy vẫn giữ nguyên dịch ngữ của bản Hán, nhưng dịch ngữ tương đương thông dụng hơn sẽ được ghi trong phần cước chú. Trong trường hợp có thể, sẽ ghi luôn dịch giả của những dịch ngữ này và xuất xứ của chúng từ bản dịch nào để tiện việc tham khảo.
15. Theo thói quen, trong các bản dịch Việt từ Hán văn, những từ phiên âm tiếng Phạn đều được viết hoa, không phân biệt từ riêng hay từ chung. Thí dụ, do trang phục dị biệt, trong Hán văn không từ nào chính xác tương đương với uttarāsaṅga của tiếng Phạn, nên phần lớn được phiên âm là uất-đa-la-tăng, và trong các bản dịch Việt, từ phiên âm này luôn luôn viết hoa. Bản dịch Việt Trường A hàm sẽ cố gắng chuẩn hóa cách viết các từ , phiên âm, cũng như các từ dịch nghĩa, để có thể phân biệt từ riêng và từ chung.
- Vì tiếng Phạn là ngôn ngữ đa âm tiết, trong khi Hán là ngôn ngữ đơn âm. Để phiên âm một tiếng Phạn, cần nhiều từ Hán. Những từ Hán phiên âm này sẽ được liên kết nhau bằng dấu nối. Thí dụ: Xá-lợi-phất, là phiên âm của một từ tiếng Phạn: Śāriputra (Skt) hay Sāriputta (Pāli). Nhưng nếu viết Xá-lợi Tử, đó là hai từ ghép với nhau, một từ phiên âm, và một từ dịch nghĩa. Sự phân biệt này rất cần thiết để tránh nhầm lẫn đã xảy ra như từ đàn việt, được giải thích là bố thí để siêu việt tam giới, do nhận thức rằng từ này ghép một phiên âm Phạn của dāna (bố thí) và một từ nghĩa Hán. Thực tế, nếu đàn-việt được viết với dấu nối, nhất định đó là phiên âm của dāna-pati (thí chủ).
- Những từ phiên âm, nếu là từ riêng, không phân biệt nhân danh hay địa danh, đều được viết với chữ hoa ở đầu. Các chữ tiếp theo đều viết thường và liên kết với nhau bằng dấu nối. Nếu tên riêng do ghép nhiều từ Phạn, mỗi từ bắt đầu bằng chữ hoa ở phiên âm. Thí dụ: Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, cách viết cho thấy có ba từ Phạn ghép lại với nhau: Nirgrantha-Jñaṭi-putra.
- Những tên riêng được dịch nghĩa, nếu là địa danh, chỉ chữ đầu được viết hoa, và không có dấu nối. Thí dụ: Vương xá thành. Nhưng nếu là tên người, tất cả đều viết hoa, không có dấu nối. Thí dụ: Khánh Hỷ.
16. Cuối cùng là các sách dẫn. Sách dẫn chủ yếu lá các từ Hán, bao gồm danh từ Phật học, nhân danh và địa danh. Một số từ không phải là thuật ngữ, nhưng trong Hán dịch tối nghĩa, cần suy đoán nguyên hình tiếng Phạn để xác định ngữ nghĩa. Những từ này cũng được liệt kê trong bảng sách dẫn.
17. Một số câu dịch Hán văn tối nghĩa, cần đối chiếu Pāli để suy đoán cú pháp Phạn bản, tìm ý nghĩa gần chính xác để chuyển thành Việt ngữ. Một số câu như vậy cũng được liệt kê trong phần sách dẫn các từ Hán.
18. Mỗi từ Hán trong bảng sách dẫn đều có phụ chú Pāli và Sanskrit để tiện việc tham chiếu.
- Quảng Hương Già-lam
Mùa an cư, Pl. 2543
Tuệ-Sỹ cẩn chí
**
Giới thiệu Kinh Trường A-hàm:
Kinh Trường A-hàm, tiếng Phạn là Dìghàgama, tiếng Pàli là Digha-nikàya, gồm 22 quyển, do Ngài Phật-đà Da-xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch vào năm Hoằng Thỉ thứ 15 đời Dao Tần (413), hiện được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 1. Sở dĩ nói "Trường" là vì do soạn tập những kinh điển dài nhất trong A-hàm mà thành. Theo Tứ Phần Luật 54, Ngũ Phần Luật 30, Luận Du-Già-Sư-Địa 85, nguyên do có chữ "Trường" là vì tổng tập những kinh lớn (dài). Tát-Bà-Đa Tỳ-Ni Tỳ-Bà-Sa 1 thì cho rằng Trường A-hàm là phá dẹp các tà thuyết của ngoại đạo. Luận Phân Biệt Công Đức thì cho rằng "Trường" nghĩa là nói những việc lâu xa, nghĩa là trải qua nhiều kiếp vẫn không dứt. Nói chung về phần định danh, các kinh luận nói khác nhau, xong đại để vẫn vậy.
Toàn kinh chia làm 4 phần, gồm 30 kinh. Trong đó, phần thứ nhất nói về bản thủy và sự tích của Đức Phật; phần thứ hai nói về việc tu tập các hạnh và cương yếu giáo pháp của Phật thuyết; phần thứ ba nói về các luận nạn đối với ngoại đạo và dị thuyết; phần thứ tư ghi chép về tướng trạng khởi nguyên của thế giới (Vũ trụ).
Kinh này tương đương với Trường Bộ (Pàli: Digha-nikàya) trong 5 bộ của hệ Nam truyền. Trường Bộ gồm có 3 phẩm, 34 kinh, tức Giới Uẩn Phẩm (gồm 13 kinh), Đại Phẩm (10 kinh) và Pàli phẩm (11 kinh). Nhưng Thế Ký Kinh trong Trường A-hàm thì không có trong Trường Bộ. Theo Mục Lục Tam Tạng (Anh văn) của học giả Nhật Bản là Nanjò Fumio, nếu đối chiếu 34 kinh bản Pàli với 30 kinh bản Hán dịch thì chỉ có kinh thứ 6 bản Hán dịch và kinh thứ 10 bản Pàli là có mối quan hệ rõ ràng, còn các kinh khác thì không nhất trí với nhau. Nhận xét của một số học giả nổi tiếng khác của Nhật Bản thì ôn hòa hơn, tức cho rằng các kinh tương tợ nhau.
Đặc biệt có Kinh Thất Phật trong Trường A-hàm (Trung Quốc gọi là Biệt Sanh Kinh) được trích riêng ra để dịch rất nhiều (21 loại). Các học giả Tây phương thường dùng bản chép tay Pàli, hiệu đính, phiên dịch rồi xuất bản cũng nhiều, như Dialogues of Buddha, 1909 - 1921, do học giả người Anh là Rhys Davids và phu nhân là J.E. Carpenter phiên dịch; Dic Reden des Gotamo Buddhos, 1907 - 1918, do K..E. Newmann dịch sang tiếng Đức; Das Buch der langen Texte des Buddhist Kanon Leipzig, 1913, do O. Franke dịch sang tiếng Đức. Ngoài ra còn có bản chú thích Trường Bộ Sumangalavilàsinì của Đại luận sư của Tích Lan sống vào thế kỷ V là ngài Phật Âm (Buddhaghosa), được hai vợ chồng Davids xuất bản vào năm 1986.
Trong các bản Sankrit mới phát hiện ở Tân Cương, Trung Quốc có kinh tương đương với Chúng Tập Kinh (Sangìti-sutta) - kinh thứ 9 của bản Hán dịch, và tương đương với một đoạn kinh Atànàtiya-sutta - kinh thứ 32 bản Pàli, được học giả R.Hoernle thu lục trong tác phẩm Manuscrip Remains of Buddhist Literature found in Eastern Turkestan,Vol.1.
Ngoài ra trong Đại Tạng Kinh của Tây Tạng có Hdus-pa chen-pohi mdo tương đương với Đại Hội Kinh - kinh thứ 19 trong Trường A-hàm; Tshans-Pahi dra-bahi mdo tương đương với Phạm Đôĩng Kinh - kinh thứ 21 trong Trường A-hàm; Lcan-lo-can-gyi pho-bran-gi mdo tương đương với Antànàtiya-sutta trong Trường Bộ.
Thích Nguyên Hiền
Xem thêm & nguồn:
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham-idx.htm
http://www.daitangkinhvietnam.org/node/8697
https://hoavouu.com/a21183/kinh-truong-a-ham
https://thuvienhoasen.org/a11158/kinh-truong-a-ham
https://quangduc.com/a34521/kinh-truong-a-ham
https://phatphapungdung.com/phap-bao/kinh-truong-a-ham-thich-tue-si-112015.html
https://www.lienphathoi.org/xem-kinh_Kinh-Truong-A-Ham_lpks_viet1.html