Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp [Uruvilva Kasyapa - Uruvela Kassapa] (Hạnh Cơ dịch)
Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư.
Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ và biên soạn phần Phụ Lục.
Hiệu đính: Nữ Cư sĩ Tịnh Kiên.
Chùa Liên Hoa, Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County xuất bản 2005.
Tôn giả ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP (Uruvilva Kasyapa - Uruvela Kassapa)
(Vị đạo sĩ Bà la môn tiếng tăm lừng lẫy đầu tiên đã xuất gia theo Phật, từng được xem là vị lãnh chúng số một của tăng đoàn)
Khi thấy sáu mươi vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Lộc Uyển đã đạt đến chỗ viên mãn về trí tuệ cũng như đạo hạnh và khả năng hành đạo, đức Phật đã phái các ngài lên đường hành hóa, hoằng truyền đạo giải thoát cho tất cả mọi người. Sau đó, Ngài giao trách nhiệm trông coi đạo tràng Lộc Uyển lại cho tôn giả Kiều Trần Như, rồi một mình ra đi, hướng về thành Vương Xá, kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Đà. Trên đường đi, Ngài đã ghé lại thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvilva - Uruvela) để thăm cây bồ đề sông Ni Liên Thuyền (Nairanjana - Neranjara), nơi đó, gần một năm trước đây, Ngài đã đạt thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ, tại thôn Ưu Lâu Tần Loa, bên bờ sông Ni Liên, có một đạo sĩ Bà la môn khổ hạnh đang cư trú hành đạo, tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Đó là một đạo sĩ lỗi lạc, tinh thông kinh điển Phệ Đà, đức hạnh trọn vẹn, tiếng tăng lừng lẫy, dân chúng khắp các vùng lân cận, cả đến vua quan ở kinh thành Vương Xá, đều kính nể, tôn sùng. Số đệ tử theo ông tu học có đến năm trăm người. Vì ông hành đạo ở thôn Ưu Lâu Tần Loa, nên có tên như trên. Đoàn sa môn này không cạo đầu như các sa môn khác, mà búi tóc cao trên đầu. Họ thờ Thần Lửa; vì theo họ thì Lửa chính là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Lửa là ánh sáng, Lửa là sự sống, Lửa là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Lửa chính là Phạm Thiên (Brahma). Theo dân chúng trong vùng cho biết, vị đạo sĩ này và đồ chúng của ông đã đến đây sau khi đức Phật rời khỏi bồ đề đạo tràng vài tháng.
Vì muốn hóa độ cho đoàn sa môn này, đức Phật đã đến thăm hỏi và đàm đạo với sa môn Ca Diếp. Qua buổi đàm đạo đầu tiên, Phật nhận thấy sa môn Ca Diếp quả là một người thông tuệ, phẩm hạnh hơn người, công phu tu tập thật vững vàng, có trình độ chứng đắc, dù không cao lắm. Sa môn Ca Diếp khi mới trông thấy Phật thì có vẻ tự đắc, nghĩ rằng, sa môn Cồ Đàm tuổi còn quá trẻ thì làm sao có sự hiểu biết, đạo hạnh và chứng đắc bằng mình, nhưng chỉ qua buổi đàm đạo đầu tiên thì thái độ của ông đối với Phật khác hẳn. Ông nhận thấy, sa môn Cồ Đàm tuy trẻ tuổi hơn mình rất nhiều, nhưng đạo phong uy nghiêm, sự hiểu biết uyên bác, từ kinh điển Phệ Đà đến các môn học trứ danh của các giáo sĩ Bà la môn, Ngài đều thông thạo. Ông tự thấy mình còn kém xa đức Phật. Ông cảm thấy kính mến Phật thật sâu xa, bởi vậy, ông đã mời Phật ở lại với ông một thời gian, và tiếp đãi Phật như một vị thượng khách.
Nơi đạo tràng này có một ngôi điện thờ Thần Lửa. Đêm đầu tiên ở lại đây, đức Phật đã ngỏ ý muốn được nghỉ đêm trong điện này. Sa môn Ca Diếp tỏ vẻ ái ngại, vì có một con rắn rất lớn chui vào ẩn núp trong ấy từ mấy ngày qua, rất nguy hiểm cho Phật, nhưng Ngài đã nhất quyết, nên ông phải để Ngài tùy tiện. Quả thật, trong đêm, Ngài trông thấy một con rắn to lớn nằm khoanh tròn giữa phòng. Với lòng từ bi, Ngài đã điều phục được con rắn bò ra khỏi phòng êm thắm, và bỏ vào rừng mất dạng. Sự việc ấy càng làm cho ông và đồ chúng của ông nể phục đức Phật.
Những lần đàm đạo kế tiếp giữa sa môn Ca Diếp và đức Phật thật gay go và cũng thật thú vị. Ông nói lên những lí thuyết vững chắc về bản chất của Lửa và về lễ nghi cúng tế trong phép thờ Thần Lửa. Đức Phật dùng những lí lẽ chân thật để bác bỏ quan niệm cho rằng Lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Sau đó Phật lại giảng giải những giáo pháp duyên sinh, vô ngã, vô thường, bốn sự thật, để đưa ông thẳng vào con đường giải thoát. Tất cả những câu chất vấn thẳng thắn nhứng hóc búa của ông đều được Phật trả lời thỏa đáng, khiến cho tâm ông mỗi lúc mỗi sáng tỏ hơn, bao nhiêu đám mây nghi hoặc đều tan biến. Qua những buổi pháp đàm ấy, và qua sự quan sát dung nghi của Phật trong mấy ngày qua ông đã thấy được tầm vóc vĩ đại của trí tuệ cũng như đạo hạnh của Ngài. Ông cũng thấy rõ, những gì đức Phật đã nói ra đều phát xuất từ những kinh nghiệm thực chứng chứ không phải từ những suy tư, lí luận.
Cuối cùng, với quyết tâm giúp ông phá vỡ tà kiến ngoại đạo, đức Phật đã dùng một câu chuyện thí dụ về một người muốn qua bên kia sông mà không chịu lội, không chịu bơi, cũng không chịu dùng thuyền; mà chỉ ngồi ở bên này cúng tế, cầu nguyện, van xin bờ bên kia sang tới bờ bên này để mình bước lên. Phật hỏi:
- Này hiền giả Ca Diếp! Hiền giả nghĩ thế nào về người ấy?
- Tôi thấy rằng, đó là một người không thực tế. Sa môn Ca Diếp trả lời.
- Cũng như vậy đó, hiền giả Ca Diếp! Nếu không nổ lực quán chiếu và tu tập để diệt trừ phiền não, vô minh, thì ta không thể nào đạt tới bến bờ giải thoát; dù ta có bỏ cả cuộc đời để thờ phụng, tế lễ và cầu nguyện.
Bỗng nhiên ông sụp lạy dưới chân Phật, khóc nức nở và thưa:
- Bạch sa môn Cồ Đàm! Hôm nay con mới biết được là con đã đi theo con đưòng sai lạc gần cả đời người. Giờ đây xin Thầy chấp nhận cho con được xuất gia làm đệ tử, để theo Thầy tu học đạo giải thoát.
Được Phật chấp thuận, ông bèn khuyến hóa tất cả năm trăm đệ tử của ông, cùng xin xuất gia theo Phật. Mọi người đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa. Họ liệng xuống sông tất cả những búi tóc của họ và tất cả những tượng thờ biểu tượng của Thần Lửa, cùng những dụng cụ tế lễ khác.
Sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp còn có hai người em ruột: kế là sa môn Nan Đề Ca Diếp (Nandi Kasyapa - Nandi Kassapa) và em út là sa môn Già Da Ca Diếp (Gaya Kasyapa - Gaya Kassapa), cũng cùng môn phái thờ Thần Lửa. Cả ba anh em đều rất mực thương mến nhau, nhất là ông anh cả, luôn luôn được hai ông em một lòng kính trọng, phục tùng.
Nan Đề Ca Diếp đang hướng dẫn ba trăm đệ tử tu học tại đạo tràng ở về phía Bắc trên bờ sông Ni Liên. Buổi sáng hôm đó, bỗng nhiên ông thấy hàng trăm búi tóc cùng với nhiều tượng thần và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông. Ông hoảng sợ và lo âu, vì nghĩ rằng nơi đạo tràng của anh ông đã gặp tai biến lớn. Ông tức tốc dẫn theo vài đệ tử, đi về Ưu Lâu Tần Loa để xem sự thể ra sao. Đến nơi, ông mới hay anh ông cùng với tất cả đệ tử đều đã qui y theo Phật, xuất gia làm tì kheo. Được anh cả khuyến hóa, ông cũng hân hoan dẫn hết ba trăm đệ tử dưới trướng, cùng xin xuất gia theo Phật tu học. Sau đó, Già Da Ca Diếp - đang hướng dẫn đệ tử tu học tại một đạo tràng gần đó, được hai ông anh mời đến khuyến hóa, cũng hoan hỉ noi gương theo, dẫn hết hai trăm đệ tử của mình đến Ưu Lâu Tần Loa xin xuất gia làm đệ tử Phật.
Thế là chỉ trong vòng bảy ngày, tất cả ba anh em họ Ca Diếp cùng với một ngàn đệ tử của họ, đều qui y với đức Phật, trở thành những vị tì kheo trong giáo đoàn của Phật, Một hôm, tại núi Tượng Đầu, (Dungsira), gần Ưu Lâu Tần Loa, Phật đã nói cho một ngàn vị tì kheo nghe bài pháp liên quan tới chủ đề “Lửa”, đại ý rằng, tất cả vạn pháp đều đang bốc cháy. Tất cả đều cảm thấy tâm tư rúng động khi nghe Phật nói về Lửa. Càng chú ý nghe, tâm họ càng rỗng sáng, và khi Phật kết thúc buổi pháp thoại thì tất cả đều chứng quả A la hán.
Từ đó, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng với hai người em, đã trở thành những vị phụ tá đắc lực của đức Phật trong việc lãnh đạo giáo đoàn, hướng dẫn và dạy dỗ tăng chúng tu học. Đức Phật lưu lại núi Tượng Đầu ba tháng để tiếp tục giáo huấn tăng chúng. Sau đó, Ngài đi về hướng kinh thành Vương Xá; cả một ngàn vị tì kheo đều đi theo Ngài. Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp hiểu biết nhiều về địa hình cũng như tình hình dân chúng trong nước Ma Kiệt Đà. Điều đó làm cho Phật rất yên tâm, vì sự hiện diện và sinh hoạt, nhất là việc khất hực hàng ngày, của cả ngàn người cùng một lúc và tại một nơi, không phải là chuyện đơn giản. Thế mà ba anh em tôn giả đều lo liệu đâu vào đấy mục đích chu đáo.
Khi về tới Vương Xá, tôn giả đã đưa Phật và tăng đoàn đến cư trú trong một khu rừng sầm uất ở vùng ngoại ô phía Nam của thành phố. Tôn giả tổ chức tăng đoàn hết sức nghiêm minh, nhờ vậy mà thành quả tu học và đạo phong của mọi người ngày càng phát triển. Chỉ trong vòng nửa tháng, sự có mặt của tăng chúng đã gieo được một ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân chúng ở thủ đô Vương Xá cũng như các vùng phụ cận.
Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) nghe tin Phật và giáo đoàn đã có mặt tại kinh thành, liền dẫn hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi - Videhi) và thái tử A Xà Thế (Ajatasatru - Agatasattu) đến tận khu rừng để yết kiến Phật. Vua cũng dẫn theo quần thần và hơn trăm vị nhân sĩ trí thức và giáo sĩ lãnh đạo cao cấp trong đạo Bà la môn, cùng đi đến chỗ Phật ngự. Hầu hết các vị này đều đã từng nghe danh hoặc gặp mặt sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp; nhưng với đức Phật, thì ngoài vua Tần Bà Sa La ra, chưa ai từng gặp Ngài bao giờ. Nay thấy sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp có mặt trong giáo đoàn của Phật thì họ ngạc nhiên vô cùng. Họ thấy sa môn Cồ Đàm nhỏ tuổi hơn sa môn Ca Diếp rất nhiều, cho nên rất lấy làm thắc mắc, không biết sa môn Ca Diếp là thầy của sa môn Cồ Đàm hay sa môn Cồ Đàm là thầy của sa môn Ca Diếp. Thấy rõ được tâm ý của họ, tôn giả muốn trước hết phải đánh tan mối nghi hoặc ấy, bèn rời chỗ ngồi, đến đứng chắp tay nghiêm chỉnh trước đức Phật, thưa:
- Bạch đức Cồ Đàm, bậc giác ngộ, bậc đáng tôn quí nhất thế gian! Con là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, đệ tử của Ngài. Ngài là bậc đạo sư của con. Con xin cung kính đảnh lễ Ngài.
Rồi tôn giả lạy Phật ba lạy với thái độ thập phần thành kính.
Đức Phật cũng đã thấy rõ tâm nghi hoặc của những người khách kia và đồng thời cũng hiểu được ý tứ tế nhị của người đệ tử mình. Ngài đỡ tôn giả đứng lên và bảo lại ngồi bên cạnh Ngài. Mọi người bây giờ đã hiểu rõ, đều tỏ vẻ hoan hỉ, và ngồi thật im lặng, nghiêm chỉnh để nghe Phật nói pháp.
Sau khi qui y làm đệ tử tại gia của Phật, vua Tần Bà Sa La đã dâng cúng khu vườn tre ở ngoại ô phía Bắc kinh thành để làm đạo tràng tu học và hành đạo cho Phật và giáo đoàn. Vâng ý chỉ của Phật, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã cùng với các vị đệ tử lớn của Phật như Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, bàn thảo và hoạch định chương trình xây cất và tổ chức tu viện Trúc Lâm (Venuvana - Veluvana) thành một tu viện có qui củ đầu tiên của giáo đoàn. Khi tất cả mọi việc đều hoàn tất, đức Phật đã chỉ định tôn giả làm giám viện của tu viện, cùng với tu viện trưởng là tôn giả Kiều Trần Như, đồng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn tu học cho tăng chúng thường trú tại tu viện cũng như ở rải rác các địa phương trong vương quốc Ma Kiệt Đà. Trong khi đó, Phật và các vị đệ tử lớn khác của Ngài thì đi đó đây để hoằng dương đạo giải thoát.
Cuộc đời sau đó của tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp ra sao, không thấy có tài liệu nào nói tới. Có lẽ tôn giả đã tiếp tục sứ mạng đức Phật đã giao phó tại tu viện Trúc Lâm Ca Diếp khi viên tịch.
Xem thêm & nguồn: